Nguyễn Phương Thìn sinh năm 1953. Bà tốt nghiệp Khoa Lịch Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1979) rồi gắn bó với nghề dạy học, với bộ môn Lịch sử. Nhưng Nguyễn Phương Thìn tâm sự mình có duyên với văn chương từ những năm tháng học phổ thông, bà từng là học sinh giỏi Văn toàn miền Bắc (1967). Tình yêu văn chương và có lẽ cũng nhờ cái duyên ngầm ấy, cùng nỗi mong mỏi muốn ghi lại những dấu ấn, những cảm xúc lắng đọng trong hành trình của cuộc đời, đã giúp bà có được “Một khoảng trời” cho riêng mình.

Tập thơMột khoảng trời” dành một phần không nhỏ để viết về quê hương, cụ thể là huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, nơi tác giả sinh ra, lớn lên, gắn bó với biết bao kỉ niệm. Vẫn mang những nét chung của làng quê Việt Nam, nhưng khi viết về chủ đề này, thơ bà vẫn có “một khoảng trời” rất riêng. Tập thơ đưa người đọc về với miền sơn cước bình dị như bao vùng quê khác, nhưng vẫn ánh lên vẻ đẹp đặc biệt, khó trộn lẫn, một vẻ đẹp rất đặc trưng của vùng rừng núi miền Tây Nghệ An, với dòng Lam xanh, núi non kỳ vĩ, huyền hoặc và rất nhiều loài hoa đồng nội…. Bà viết về quê hương với nỗi thương nhớ cụ thể, có hình hài, màu sắc: Đất vĩnh Sơn dạn dày gan góc/Vắt chân trần, chạy bộ đón đò ngang (Nhớ), Tháng Ba bạn nhớ về tìm/ Lối mòn tím biếc tiếng chim gọi mời (Hoa xoan). Nhưng cũng có khi tác giả lại dẫn dụ người đọc chông chênh đi giữa hai miền: mơ và thực, quá khứ và hiện tại, động và tĩnh… Có vẻ như mọi ranh giới giữa hai không gian này trong thơ bà đã bị xoá nhoà, chỉ còn lại lòng người phiêu diêu, chới với trong cảnh quê, tình quê (Chiều ngoại ô, Hồn khí non sông, Trở về, Về quê, Dòng sông cũ…). Với một tình yêu đặc biệt dành cho quê hương như vậy, điều tất nhiên “Một khoảng trời” còn là lòng thương quý, biết ơn sâu sắc của tác giả đối với mảnh đất chôn rau cắt rốn, đối với  vùng “đại ngàn” yêu dấu của bà: Chúng tôi nhờ rừng lớn lên, tung cánh vỗ/Trái tim dành bến đỗ đại ngàn xưa (Thương nhớ đại ngàn xưa).

“Một khoảng trời” còn là hành trình của những chuyến đi không mỏi mệt và nhiều ý nghĩa. Năm 2008, tác giả về nghỉ hưu theo chế độ và có nhiều hoạt động thiện nguyện trong các chương trình “Nâng bước em đến trường” ở vùng miền núi, biên giới. Nhờ vậy mà bà đi khá nhiều, mỗi chuyến đi ấy đều lắng lại trong thơ bà những cảm xúc khó quên. Trong đó, có những chuyến về nguồn linh thiêng, ngùi ngùi xúc động (Viếng nghĩa trang liệt sĩ Việt Lào; Nhật ký lấp hố bom, Tuổi hồng thời chiến, Viếng nghĩa trang Trường Sơn…); có cả những cuộc trở về trong tâm tưởng, những trải nghiệm, lắng nghe, thấu cảm đến đớn đau: Bây giờ trở lại nhà mình/ Bên hương nghi ngút vợ mình đó ư...? (Thay lời liệt sỹ). Cũng có những chuyến đi đầy ắp tin yêu, hi vọng, được viết trong niềm tự hào, niềm vui phơi phới (Trở lại vùng biên, vùng biên hôm nay, Đỉnh Sóc Sơn…).

Nhưng có lẽ, hành trình trở về với kỷ niệm của một thời thanh xuân, với tình yêu tuổi trẻ vẫn để lại những bài thơ, những câu thơ chạm được vào cảm xúc của người đọc. Mơ, Hà Nội ơi, Chiếc lá, Gửi người đã khuất, Bão, Chiều quê, Bến sông quê… là những bài thơ được viết trong tâm thế như vậy. Tại đó, thêm lần nữa, người đọc gặp lại cái cảm giác chập chờn giữa quá khứ và hiện tại, giữa mơ và thực, giữa níu giữ và tuột trôi… Một sự xáo trộn trong tâm tưởng, trong cảm thức, khiến cho thơ bà dù được viết với ngôn từ rất dung dị, vẫn rất giàu cảm xúc, vẫn có một sức gợi riêng: Mơ như thật/Một ngày xanh trở lại/Tim đập dồn/Trong tiếng gọi của anh (Mơ). Trái tim nhạy cảm của người phụ nữ cũng khiến cho bà luôn khắc khoải trước sự trôi chảy của thời gian. Thơ Phương Thìn thường có những lo âu, những thảng thốt giật mình và cả những suy ngẫm đầy triết lý trước những dự cảm tàn phai, xa lìa, chia cắt… (Tháng mười, Xa rồi, chiếc lá, Chiếc lá cuối cùng…).

Phương Thìn đặt tên cho tập thơ của mình là “Một khoảng trời” và cũng gửi gắm tâm sự của mình trong bài thơ cùng tên, đó chính là khoảng trời riêng trong tâm hồn người phụ nữ, để rồi khi vui, lúc buồn, neo vào mà vượt qua…

       Có một khoảng trời sâu thẳm bao la

      Còn được gọi tên đó là kỷ niệm

      Ở nơi ấy chắt chiu từng giọt sống

      Nuôi tâm hồn bay bổng chốn nhân gian

     Giúp đi qua những bi cực cơ hàn…

                                  (Một khoảng trời)

Với “Một khoảng trời”, dẫu có nhiều bài vẫn là dòng chảy nguyên sơ của cảm xúc, câu chữ dung dị, ít dụng công trau chuốt, nhưng Phương Thìn đã thực sự có một khoảng trời cho riêng mình, môt khoảng trời rưng rưng xúc động trong trái tim người phụ nữ  luôn nâng niu, trân trọng những kỉ niệm của đời mình.

                                 Tin bài: NXB ĐHV